Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tứ Chánh Cần

Tứ Chánh Cần là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện và tăng trưởng thiện pháp, cần phải siêng năng tu hành hằng ngày không nên biếng trễ, cho đến khi tâm rất tự nhiên bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Tu tập Tứ Chánh Cần có đối tượng, tu tập Tứ Chánh Cần có bốn phần:

1- Ngăn ngừa các ác pháp, giúp tâm không phóng dật theo các pháp bên ngoài.

2- Đoạn diệt các ác pháp, quyết tâm tận diệt các ác pháp, khi các ác pháp đã làm chướng ngại tâm, làm cho tâm phiền não và khổ đau.

3- Luôn luôn giữ gìn và bảo vệ tâm trong thiện pháp, không để tâm bị ác pháp xâm chiếm.

4- Lúc nào cũng tìm mọi cách để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự. Tu có đối tượng là người phải có nghị lực, dũng cảm, gan dạ, kiên nhẫn, bền chí, luôn luôn chiến đấu, nhưng quyết định phải dành được phần thắng về mình, nhất định không chịu thất bại trước các ác pháp nào cả.

Tu có đối tượng tuy khó, nhưng kết quả dễ nhận ra và nhận ra rõ ràng, cụ thể, không sợ bị ức chế tâm, không sợ lạc vào thiền tưởng, nhưng phải tránh sự chịu đựng. Tu tập có đối tượng dễ phát triển tri kiến giải thoát (tức là phát triển trí tuệ đạo đức nhân bản - nhân quả), vì phải thường xuyên quán xét, tư duy, suy nghĩ, làm việc nhiều về trí óc.

Người tu tập phát triển tri kiến giải thoát là người sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả. Nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp một cách dễ dàng. Phương pháp Tứ Chánh Cần giúp cho người tu sĩ Phật giáo hằng ngày sống trong thiện pháp, sống trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Siêng năng tu tập ngăn ác là ngăn từng tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi, dùng pháp Như lý Tác ý làm cho niệm đó dừng lại và tan biến mất. Khi niệm đó dừng lại và tan biến mất thì để lại một khoảng thời gian ngắn bất động trong tâm rồi có niệm khác khởi lên.

Khi có niệm khác khởi lên như vậy thì lại tác ý ngăn chặn niệm ấy thì niệm ấy dừng lại và tan biến mất, lúc bấy giờ để lại cho tâm chúng ta bất động một khoảng thời gian ngắn nữa. Chúng ta chỉ cần tu tập một pháp ngăn ác là có đủ bốn pháp diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp.

Cho nên tu tập Tứ Chánh Cần không phải tu cả bốn pháp mà chỉ tu tập một pháp mà thôi. Lúc mới tu tập Tứ Chánh Cần, tâm còn chướng ngại pháp rất nhiều như sóng, nên ngăn và diệt các ác pháp không lúc nào ngơi nghỉ.

Cái tên Tứ Chánh Cần, xác định được sự tu tập Sơ thiền của Phật giáo, vì vậy còn gọi pháp môn Tứ Chánh Cần này là “Định Tư Cụ”, tức là phương pháp tu tập Sơ Thiền. Muốn tu tập Sơ Thiền thì phải tu tập trên pháp môn Tứ Chánh Cần rồi đến Tứ Niệm Xứ.

Cho nên Sơ Thiền của ngoại đạo đã trở thành Tứ Chánh Cần của Phật giáo. Tu tập Tứ Chánh Cần là những pháp đầu tiên đánh vào cơ quan đầu não của giặc sinh tử luân hồi, những đòn đánh ngăn ác diệt ác pháp như sấm sét, như vũ bão thì mới mong ngăn và diệt ác pháp được.

Khi tu tập phải đem hết ý chí dũng mãnh, kiên cường gan dạ, đánh đòn nào phải chính xác và đầy đủ sức mạnh thì mới mong ngăn và diệt được ác pháp, chớ tu tập sìu sìu cho lấy có thì không bao giờ quét sạch hôn trầm, thuỳ miên, vô ký và ngoan không.

Tu phải thật tu, tu cho đúng pháp, phải đi kinh hành nhiều. Pháp môn Tứ Chánh Cần: sinh thiện và tăng trưởng thiện pháp có nghĩa là Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự chớ không có nghĩa thiện đơn thuần.

Hằng ngày giữ gìn và bảo vệ Tâm bất động thì đó là những điều toàn thiện, rất thiện. Thiện đó mới thật sự là thiện, thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ tất chúng sinh. Bởi pháp thiện Tâm bất động là thiện cứu cánh, nó là chân lý của Phật giáo, nếu ai từng sống với nó là người chứng đạo.

“Ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp” là bốn điều siêng năng chuyên cần quan trọng trong Phật giáo mà người tín đồ nào cũng phải biết, cũng phải tập tu; là nền đạo đức nhân bản – nhân quả cụ thể, rõ ràng; là pháp môn hướng dẫn tu tập của Phật giáo rất đơn giản, chỉ cần biết nhận ra: “Thiện pháp và Ác pháp”.

Nhận ra thiện pháp và ác pháp thì phải ngăn và diệt ác pháp, không được để trong tâm dù chỉ là một giây, một sát na cũng phải diệt trừ, từ bỏ ngay liền. Có như vậy mới thấy Phật giáo giải thoát thiết thực, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của đời người, đến để mà thấy, để mà hướng thượng.

. Thiện và ác tức là nhân quả. Do nhân quả mà con người có vui, có khổ. Đức Phật dạy cho chúng ta chọn lấy con đường thiện, dù tu sĩ hay cư sĩ, là tín đồ hay không phải là tín đồ của Phật giáo. Đó là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả, con đường cao quý nhất của đời người.

Những người nào chọn Phật giáo làm chỗ nương tựa vững chắc để sống một đời sống có đạo đức, có đầy đủ nhân cách làm người, có đầy đủ trực hạnh, thắng hạnh, diệu hạnh của bậc Thánh nhân, v.v... Đó là đạo lộ duy nhất của Phật giáo.

Ai nghe và tin theo lời dạy này, thường sống ngăn ác và diệt ác pháp, luôn sống sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp thì người ấy đã chọn đi trên con đường thiện. Và vì thế, đời sống của họ sẽ được thảnh thơi, an vui và hạnh phúc, sau khi chết sẽ tương ưng với sự giải thoát của chư Phật nên chấm dứt tái sanh luân hồi.

Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, tức là Tấn Lực, là Định Tư Cụ, là giới hành của Đạo Phật, là tu tập thiền định của Đạo Phật, một thứ thiền định ly dục ly ác pháp để khắc phục tâm tham ưu của hành giả, để đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh già bệnh chết, và chấm dứt tái sanh luân hồi, là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, tu tập trên Tứ Niệm Xứ.

Trong Tứ Chánh Cần gồm có các định:

1- Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

2- Định Vô Lậu.

3- Định Sáng Suốt.

4- Định Niệm Hơi Thở (Định Niệm Hơi Thở gồm có 18 đề mục tu tập). Những loại định này đều tu tập trên Tứ Niệm Xứ.

Người mới vào tu phải tu tập bốn loại định này. Nếu ai không tu tập bốn loại định này (không tu tập Tứ Niệm Xứ) mà tu tập pháp nào khác, là tu tập sai pháp của Phật, tu theo ngoại đạo.